Trao đổi với cô giáo Phan Tuyết nhân đề bài và bài văn tả con chó

Đọc báo thấy dư luận đang xôn xao trước đề văn tả con vật (cụ thể là con chó) và lời phê được cho là của một giáo viên và việc cô giáo Phan Tuyết cho rằng cần xem xét lại tính xác thực của sự việc này. Bài viết ngắn này không đề cập đúng hay sai từ góc độ của người ra đề hay người làm bài. Bài viết đề cập quy luật của tư duy con người. Tôi thử lý giải vấn đề này từ góc độ của “môn nghĩ”.

Nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Jean Piaget bảo rằng con người bắt đầu “thông minh” từ lúc nó hiểu (mới đầu chỉ là ở trình độ cảm giác-vận động) có sự tồn tại thường xuyên của vật. Tức là nó biết “nhận ra”, thực ra là “nhận ra lại” (recognition) một vật ngay cả khi nó không nhìn thấy trực tiếp trước mắt. Khả năng này được Piaget gọi là trí khôn cảm giác-vận động (ở trẻ nhỏ) rồi phát triển lên thành trí thông minh biết làm công việc với các biểu tượng. Tức là tư duy mà không cần phải nhìn thấy “người thật, việc thật” một cách trực tiếp. Danh họa Tây Ban Nha Salvador Dalí lúc đi học vẽ, thầy bảo vẽ một bức tượng Hy Lạp cổ đại thì Dalí nộp bài là bức vẽ một cái cân. Tại vì trong sáng tác này của Dalí có sự hoạt động của tư duy làm công việc liên tưởng. Xin được nhấn mạnh “hoạt động của tư duy”. Mẫu vật (bức tượng) làm Dalí liên tưởng tới cái cân. Khuôn khổ bài viết này không cho phép đi sâu lý giải tại sao lại là cái cân, song đây có thể là gợi ý cho những người biên soạn sách giáo khoa dạy môn Văn ở trường phổ thông (bạn đọc phổ thông có thể xem tạm cuốn hồi ký tự kể của Salvador Dalí).

Hầu như ai cũng biết đại triết gia Hegel có lẽ là người mô tả “lịch sử của tư duy” con người một cách có hệ thống, cặn kẽ nhất. Người viết có nói gì thì cũng chỉ là nối điêu thôi. Hegel, theo cách hiểu của tôi, đề cao vai trò của tư duy ở “thời điểm” của giác tính (được hiểu như là quá trình từ “biết theo kiểu làm quen” đến “hiểu” nhưng vẫn là hiểu theo cách “chủ quan”: understanding, rồi cuối cùng mới đến nhận thức hay “tri thức” khách quan, tức không còn phụ thuộc vào sự chủ quan). Ông nhận ra sức mạnh của giác tính, thậm chí ông bảo đó là sức mạnh vĩ đại nhất, kỳ diệu nhất của mọi sức mạnh. Sức mạnh ấy được biểu hiện ra ở hoạt động của tư duy làm công việc trừu tượng hóa. Trừu tượng hóa là thế này:

“Khi ta mô tả một vật tức là ta làm công việc trừu xuất nó ra khỏi những cái còn lại của thế giới. Khi nói về “cái bàn này” hay “con chó này”, chẳng hạn, ta nói về chúng như thể chúng là có duy nhất ở trong thế giới. Thế mà, thực ra, với tư cách là cái tồn tại có thực, con chó và cái bàn chiếm một thời điểm đã cho ở trong môi trường được qui định ở trong Thế giới hiện thực, và chúng không thể được tách rời khỏi những cái bao quanh chúng. Thế nhưng, con người làm công việc cô lập chúng, trong tư duy của mình, thì lại có thể kết hợp chúng, ở trong tư duy ấy, theo ý muốn của riêng mình (một cách độc lập-tự do-tự chủ). Người ấy có thể, chẳng hạn, đặt con chó này dưới gầm chiếc bàn này ngay cả khi, trong thực tế, ở ngay chính thời điểm làm công việc này chúng tách rời nhau với khoảng cách hàng ngàn cây số”.

 Hai cách lý giải tôi “bật mí” ở trên được lấy từ hai tác phẩm dịch sắp ra mắt trong năm nay (2017). Một, là La Construction du Réel của Jean Piaget do nhà thơ-dịch giả Hoàng Hưng dịch (tạm dịch: Tư duy hình thành thế nào cách nó hiểu về vật có thật ở bên ngoài) và cuốn kia là Introduction à la lecture de Hegel (Dẫn nhập vào việc đọc Hegel) của Alexandre Kojève do Phạm Anh Tuấn dịch, nhà triết học-dịch giả Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính.

PHẠM ANH TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0904013646