Tại sao lại có HIỆN TƯỢNG làm giáo dục bằng dự án? Một não trạng “ỷ lại” bậc nhất. Những câu nói đã trở thành tập ngữ: “lập dự án”, “xin kinh phí Nhà nước”, “xin đề tài”, “lập dự án để xin tài trợ nước ngoài” và … “lập dự án ODA”, dự án sử dụng vốn vay viện trợ phát triển chính thức, tức loại dự án đỉnh cao của mọi dự án, vì đây là loại dự án thường là vay với số tiền rất lớn, do Chính phủ một nước đứng ra VAY và BẢO LÃNH, tức là nơi sử dụng vốn vay này (Bộ Giáo dục) ngay từ đầu đã tránh được gánh nặng tâm lý tất yếu đi kèm người đi vay: tôi không trực tiếp đi vay, Nhà nước đi vay cho tôi và CHẮC CHẮN sẽ trả nợ cho tôi. Tôi được hưởng rất nhiều ưu đãi, trong đó có ưu đãi khủng khiếp nhất – TÔI LÀ “NHÀ THẦU” DUY NHẤT, ĐỘC SOÁI.
Lý do được viện ra để biện minh cho đặc ân độc quyền thường là bởi vì đây là loại dự án PHÁT TRIỂN quan trọng. Một lý do biện bạch nữa cũng thường được nại ra, như câu nói của một giáo sư trong thường trực Ban biên soạn chương trình SGK sau năm 2015 cho rằng “hiện nay nước ta chưa có những người được đào tạo bài bản về kỹ thuật xây dựng chương trình và viết SGK”, rằng “người thì thừa nhưng người có năng lực thì rất thiếu”.
Xin hỏi, ở nước ta hiện nay, ai là người được đào tạo bài bản về kỹ thuật xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa? Không trả lời chung chung, vòng vo, hãy lên một danh sách cụ thể đi. Hãy đưa một danh sách, xã hội sẽ chỉ ra đích danh chí ít ai là người KHÔNG BIẾT SOẠN SÁCH GIÁO KHOA. Có thể tin được năng lực viết sách giáo khoa của một vị giáo sư được đào tạo bài bản nhất trong số các vị giáo sư tự cho là mình là được đào tạo bài bản khi được nghe vị ấy phát biểu thế này: bản chất của giáo dục là nội tình của giáo dục, là chiều sâu lắng đọng của nhà giáo dục!.
Nhưng tôi lại có thể lập danh sách những người biết làm sách giáo khoa. Xưa, chẳng hạn, cử nhân Đỗ Văn Tú một mình biên soạn cả bộ sách Giảng văn lớp 11. Xưa nữa, Trần Trọng Kim, Nguyễn Hiến Lê, Dương Quảng Hàm và còn biết bao người khác nữa, liệu họ có được “đào tạo bài bản về kỹ thuật viết sách giáo khoa không nhỉ?
Sự thật là thế này, nguyên nhân của mọi nguyên nhân nằm ở sự ĐỘC QUYỀN và MỌI CON ĐƯỜNG ĐỀU DẪN ĐẾN SÁCH GIÁO KHOA, đến nơi ĐỘC QUYỀN XUẤT BẢN SÁCH GIÁO KHOA.
“Mọi con đường”, đúng thế, không ai có thể tự nhiên bịa ra được, những gì đang xảy ra cho tới nay trong hiện thực đều chứng minh điều không thể chối cãi hiển nhiên này. Song, điều tôi muốn xới lên để bàn trong bài viết này là NGUỒN GỐC PHÁT SINH TÂM LÝ VÀ “LỊCH SỬ” CỦA NÃO TRẠNG NÀY, não trạng làm giáo dục bằng dự án.
Khi tôi bỗng thấy một con chó chồm tới, tôi sợ tôi bỏ chạy hay là tôi chạy rồi mới thấy sợ? Tôi nhìn thấy cái bánh thì tôi thấy “ngon” quá tôi bèn thò tay chộp cái bánh để ăn hay là tôi chộp cái bánh để “ăn” rồi mới thấy “ngon”? Tâm lý học đã chứng minh vế thứ hai mới đúng. Người đầu tiên “ăn” bánh thấy “ngon” người đó có thể là người vô tư, trong sáng, không hề có tư lợi. Vấn đề chỉ bắt đầu kể từ “người thứ hai”, từ lần “ăn bánh” thứ hai trở đi. Bản chất tâm lý của sự độc quyền kỳ cùng chỉ là cố giữ lấy cái bánh cho riêng mình vì sau khi ăn thấy “ngon” quá.
Nguyên nhân thứ hai, nguyên nhân có tính lịch sử nằm ở “khoảng trống tư tưởng” hay “khoảng trống tư duy” hay nói tổng quát là căn bệnh mãn tính VÔ-TƯ TƯỞNG.
“Tư tưởng” có đòi hỏi nhiều tiền không? Thưa, cần rất nhiều tiền. Nhiều đến nỗi không dự án nào có số tiền đủ lớn cho nó. Tư tưởng là “vô giá”. “Tư tưởng” có đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu, nhiều kiên nhẫn, nhiều cẩn trọng hay không? Thưa, cần rất nhiều. Nhiều đến mức không có “tiến độ” hay “vòng đời” dự án nào kham nổi. Kim cổ, mấy ai được như cụ Archimède, đang nằm trong bồn tắm đứng phắt dậy nhào ra ngoài phố, hô lớn “Eureka”, thế mà có người một sớm mai bất đồ hô lên “Việt Nam đã tìm ra triết lý giáo dục!”.
Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy trước những năm 1980 vấn đề “triết lý giáo dục” chưa bao giờ được đặt ra. Bạn đọc có thể kiểm chứng. Mọi sự đều diễn ra êm thấm, trôi chảy. Giáo dục mọi sự đều có chỗ để trông cậy. Sách giáo khoa cho tới ngày ấy về căn bản đều dựa vào các sách giáo khoa cũ trong nước trước đây và cách làm sách giáo khoa của Liên Xô cũ. Bầu không khí chủ đạo là “yên tâm” và “tự thỏa mãn”. Điểm chết người nằm ở chỗ đó. Trong một thời gian dài, không có sự TỰ-NGHIÊN CỨU hay nói cách khác không có tự mình ý thức xây dựng một nền học thuật, một nền nghiên cứu độc lập.
Sau những năm 1990, đất nước bắt đầu hội nhập với toàn thế giới. Nhiều vấn đề dồn dập nảy sinh. Đã có một “phương án” lẽ ra đã phải là một giải pháp giáo dục thực sự. Tiếc rằng, lúc này bắt đầu xuất hiện “cái bánh”. Mặt khác, ít ai nhìn thấy hoặc đủ sức lấp được cái khoảng trống “tư tưởng” hay “tư duy” giáo dục mỗi ngày một rộng hoác ra, không còn có thể che đậy nổi được nữa.
Lúc này xuất hiện một “chỗ dựa” mới. Chỗ dựa ấy có tên gọi là “hỗ trợ phát triển”, đối lập lại là “chậm phát triển” (sau này được sửa lại cho lịch sự hơn thành “đang trên đà phát triển”). Tiền thân của nó là một huyền thoại được tạo dựng về sứ mệnh “khai hóa văn minh”. Đi kèm với nó là cả loạt những huyền thoại, trong đó có hai huyền thoại tồn tại dai dẳng nhất và cũng khủng khiếp hơn cả. Một huyền thoại là do tự mình gây ra cho chính mình, đó là tâm lý “dĩ Âu vi trung”. Huyền thoại kia là do người khác gán cho mình, “huyền thoại về người bản địa lười biếng” và than ôi, chính “chúng ta” cũng vô tình đang nhắc đi nhắc lại: “họ” là những “người tiêu dùng lười biếng”, những người biết dùng điện thoại nhưng không bao giờ phát minh được ra chiếc điện thoại” (xem Culture and Imperialism của Edward SAID, người mở đầu cho nghiên cứu hậu-thuộc địa, bản dịch tiếng Việt Văn hóa và chủ nghĩa bá quyền của Phạm Anh Tuấn (người viết bài này), nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2015).
Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, xin đơn cử một ví dụ về “bá quyền văn hóa” thông qua “quyền lực mềm” được Edward SAID phân tích trong cuốn sách trên: vấn đề học tiếng Anh ở các nước “đang trên đà phát triển”, một vấn đề thời thượng hiện nay. Eward SAID viết “Năm 1985, tôi được một trường đại học quốc gia tại một nước ở vùng Vịnh Ba Tư đề nghị tới thăm trong một tuần lễ, tôi hiểu là mình có nhiệm vụ phải đánh giá chương trình Anh văn của trường này và có thể sẽ đưa ra một số khuyến nghị cải tiến … Tôi đã sửng sốt khi phát hiện ra chỉ tính thuần túy con số thôi thì môn Anh văn đã thu hút số lượng đông nhất những người trẻ tuổi trong bất kì phân khoa nào của trường đại học này, nhưng rồi tôi lại chán nản … Lý do là bởi vì hầu hết sinh viên chọn tiếng Anh là dự định rốt cuộc sẽ làm việc cho những hãng hàng không, hoặc những ngân hàng mà ở đó tiếng Anh là lingua franca [ngôn ngữ chung] của toàn thế giới. Điều này gần như rốt cuộc đã ban cho tiếng Anh địa vị một ngôn ngữ liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn, nó bị tước đoạt những đặc điểm biểu đạt hoặc mĩ học và bị lột bỏ mọi chiều kích mang tính phê phán hoặc tự-ý thức”.
Kính thưa các bậc cha mẹ, các vị nghĩ gì khi các vị bị “nhập nhĩ” câu nói của ai đó đặt vào tai mình, thậm chí đặt vào miệng mình, rằng “tiếng Anh là công cụ để hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới” và “phải giỏi tiếng Anh thì có học gì đi nữa sau này mới dễ xin được việc làm tốt” v.v. Để rồi các vị bắt những đứa con còn bé bỏng của mình đã phải đi học thêm các trung tâm tiếng Anh trong khi chúng còn chưa sõi tiếng Việt của bố mẹ chúng, của ông bà chúng, của cha ông chúng, của Nguyễn Du, của Nguyễn Trãi …
Để kết thúc bài viết cuối cùng này, tôi xin nói là không thể giải quyết “não trạng” làm giáo dục bằng hô hào đạo đức. Phải giải quyết bằng LUẬT. Cách đây bốn năm tôi kêu gọi “Hãy dám xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa”. Giờ tôi xin nói là PHẢI XÓA BỎ NGAY LẬP TỨC ĐỘC QUYỀN SÁCH GIÁO KHOA. Phải chặt đứt cái “nœud gordien” này, chặt được nó là giải quyết được mọi vấn đề tồn tại, tồn đọng hiện nay của nền giáo dục. Xóa bỏ ngay độc quyền làm sách giáo khoa cũng tức khắc xóa bỏ ngay độc quyền xuất bản sách giáo khoa.
Tức là sẽ tức khắc mở ra một sinh lộ mới cho nền giáo dục nước nhà. Vài lời kết thúc bài viết cuối, mong sao đến được tai những ai cần nghe …
(bài cuối) PHẠM ANH TUẤN