Niềm tin sư phạm của tôi

Niềm tin I – Giáo dục là gì

Tôi vững tin rằng:

– mọi sự giáo dục đều bắt đầu bằng việc cá nhân tham gia vào ý thức xã hội của chủng tộc. Quá trình này bắt đầu một cách vô thức hầu như ngay từ khi lúc sinh ra và liên tục gây ảnh hưởng tới những khả năng của cá nhân, làm bão hòa ý thức của cá nhân, hình thành những thói quen, rèn luyện những ý niệm, và khơi gợi ở cá nhân những cảm nghĩ và xúc cảm. Nhờ quá trình giáo dục vô thức này mà cá nhân dần dần đi tới chỗ chia sẻ những nguồn lực trí tuệ và đạo đức mà nhân loại trước đó đã thành công trong việc tập hợp chúng lại. Cá nhân trở thành một người kế thừa vốn tích lũy của nền văn minh. Sự giáo dục chính quy nhất và mang tính chuyên môn nhất cũng chắc chắn không thể đi chệch ra khỏi cái quá trình mang tính phổ biến này. Sự giáo dục ấy chỉ có thể tổ chức hoặc chuyên biệt hóa quá trình đó theo một hướng cụ thể nào đó.

– giáo dục duy nhất đích thực là giáo dục là sự giáo dục thông qua việc kích thích những khả năng của đứa trẻ bằng những đòi hỏi của tình huống xã hội trong đó nó đang sống. Thông qua những sự đòi hỏi này đứa trẻ bị kích thích để hành động như một thành viên của một đơn vị, để thoát ra khỏi sự hạn hẹp ban đầu của hành vi và cảm xúc, và để quan niệm về bản thân nó từ lập trường về hạnh phúc của nhóm mà nó là một thành viên. Thông qua sự phản ứng của những người khác trước việc làm của chính đứa trẻ mà đứa trẻ đó đi đến chỗ hiểu được những việc làm của nó có ý nghĩa gì về mặt xã hội. Ý nghĩa giá trị của những việc làm lại được phản ảnh ngược trở lại vào trong những việc làm của nó. Chẳng hạn, nhờ có sự phản ứng của người khác trước những tiếng bi bô bản năng của đứa trẻ mà đứa trẻ đi đến chỗ biết được những tiếng bi bô ấy mang ý nghĩa gì; những tiếng bi bô này được biến đổi thành ngôn ngữ có cấu âm rõ rệt, và bằng cách như vậy đứa trẻ được làm quen với rất nhiều những khái niệm và xúc cảm đã được tập hợp lại và lúc này được đúc kết bằng ngôn ngữ.

– quá trình giáo dục này có hai mặt – mặt tâm lý và mặt xã hội – và không mặt nào có thể được coi là phụ thuộc vào mặt kia hoặc bị coi nhẹ mà không dẫn đến những kết quả có hại. Trong hai mặt này, mặt tâm lý là cơ sở. Bản năng và khả năng của đứa trẻ cung cấp vật liệu và tạo ra điểm xuất phát cho mọi sự giáo dục. Nếu nỗ lực của nhà giáo dục không liên kết với hoạt động mà đứa trẻ đang thực hiện bằng thế chủ động của riêng nó độc lập với nhà giáo dục, khi ấy giáo dục sẽ bị biến thành một sức ép từ bên ngoài. Sức ép đó quả thực đem lại những kết quả bề ngoài nhất định nào đó, song không thể thực sự được gọi là mang tính giáo dục. Do đó, nếu không hiểu rõ cấu trúc tâm lý và hoạt động của cá nhân, quá trình giáo dục sẽ mang tính tùy tiện và độc đoán. Nếu giáo dục có khả năng xảy ra đồng thời với hoạt động của đứa trẻ, khi ấy giáo dục sẽ tìm ra được một đòn bẩy; nếu không như vậy, giáo dục sẽ dẫn đến sự xung đột hoặc sự phân rã, hoặc ngăn chặn bản tính của trẻ em.

– hiểu biết về những điều kiện xã hội, về tình trạng hiện tại của nền văn minh là điều cần thiết để hiểu được đúng những khả năng của trẻ. Trẻ em có những bản năng và khuynh hướng riêng, nhưng chúng ta chỉ có thể biết được những bản năng và khuynh hướng đó có ý nghĩa gì khi chúng ta có thể biến đổi chúng thành cái tương đương mang giá trị xã hội. Chúng ta phải đủ khả năng đặt chúng trở lại vào trong một quá khứ xã hội và xem chúng như là sự kế thừa của những hoạt động trước đó của chủng tộc. Chúng ta cũng phải đủ khả năng phóng chiếu chúng vào trong tương lai để xem thử kết quả và mục đích của chúng sẽ là thế nào. Trong ví dụ minh họa vừa được sử dụng, chính khả năng nhìn thấy trong những lời bi bô của đứa trẻ sự triển vọng và tiềm năng của một sự giao tiếp và chuyện trò xã hội tương lai mà người ta mới có thể đối xử với bản năng đó một cách thích hợp.

– mặt xã hội và mặt tâm lý có quan hệ hữu cơ với nhau và giáo dục không thể được xem như là một sự thỏa hiệp của hai mặt này, hoặc giả như là một sự đặt chồng mặt này lên mặt kia. Chúng ta được bảo rằng định nghĩa giáo dục bằng tâm lý học là nghèo nàn và mang tính hình thức – định nghĩa đó chỉ giúp chúng ta có ý niệm về một sự phát triển của những năng lực tinh thần mà không giúp chúng ta có bất cứ ý niệm nào về mục đích sử dụng của những năng lực đó. Mặt khác, người ta biện luận rằng định nghĩa giáo dục bằng xã hội học, xét như giáo dục là sự điều chỉnh cho phù hợp với nền văn minh, đã coi giáo dục như một quá trình bị ép buộc từ bên ngoài và dẫn đến việc bắt tự do cá nhân phải lệ thuộc vào một trạng thái xã hội và chính trị được định sẵn.

– mỗi một ý kiến phản bác nói trên đều đúng nếu nó được viện dẫn nhằm chống lại mặt này bị cô lập khỏi mặt kia. Để biết được một khả năng thực sự là thế nào, chúng ta phải biết được mục đích, công dụng hoặc chức năng của khả năng đó, và chúng ta không thể biết được điều này trừ phi chúng ta quan niệm cá nhân như là có tính năng động trong những mối quan hệ xã hội. Nhưng mặt khác, sự điều chỉnh duy nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho trẻ em trong những điều kiện hiện hữu là sự điều chỉnh phát sinh từ việc chúng ta giúp trẻ em hoàn toàn làm chủ tất cả những khả năng của nó. Với sự xuất hiện của nền dân chủ và những điều kiện công nghiệp hiện đại, người ta không thể dự đoán dứt khoát nền văn minh sẽ như thế nào trong hai mươi năm nữa. Vì thế không thể chuẩn bị trẻ em cho bất kỳ khuynh hướng cụ thể nào của những điều kiện. Chuẩn bị trẻ em cho cuộc sống tương lai nghĩa là giúp trẻ em làm chủ bản thân nó; điều này nghĩa là rèn luyện trẻ em theo cách sao cho chúng sẽ hoàn toàn sẵn sàng sử dụng mọi khả năng của mình; nghĩa là đôi mắt, đôi tai và bàn tay của chúng có thể là những công cụ sẵn sàng để sử dụng, nghĩa là trẻ em có thể dùng khả năng phán đoán để hiểu được những điều kiện trong đó chúng phải làm việc, và những khả năng thực hành được rèn luyện để trẻ em hành động một cách kinh tế và hiệu quả. Không thể đi đến kiểu điều chỉnh này trừ phi thường xuyên quan tâm tới khả năng, sở thích và mối quan tâm của cá nhân –  tức là, khi giáo dục liên tục được hiểu bằng những thuật ngữ tâm lý học.

Tóm lại, tôi tin rằng cá nhân – kẻ được giáo dục – là một cá thể mang tính xã hội, và xã hội là một kết hợp hữu cơ của những cá nhân. Nếu chúng ta loại bỏ nhân tố xã hội ra khỏi đứa trẻ, chúng ta chỉ còn lại một sự trừu tượng; nếu chúng ta loại bỏ nhân tố cá nhân ra khỏi xã hội, chúng ta chỉ còn lại một khối ì không sức sống. Giáo dục vì thế phải bắt đầu bằng một sự hiểu biết tâm lý học thấu đáo về những khả năng, hứng thú và thói quen của trẻ em. Giáo dục phải được kiểm soát tại mọi thời điểm bằng sự quy chiếu tới những mối quan tâm duy nhất nói trên. Những khả năng, hứng thú và thói quen đó phải được liên tục kiến giải – tức là chúng ta phải biết chúng nghĩa là gì. Chúng phải được hiểu trên phương diện của cái tương đương với chúng mang giá trị xã hội – tức trên phương diện của điều gì chúng có thể có ích cho xã hội.


Niềm tin II – Trường học là gì


I. Tôi vững tin rằng:

 – trường học trước hết là một định chế xã hội. Vì giáo dục là một quá trình mang tính xã hội cho nên trường học chỉ đơn giản là một hình thái của đời sống cộng đồng trong đó mọi phương tiện được tập trung sao cho sẽ hiệu quả nhất trong việc giúp cho trẻ em chia sẻ những nguồn tài nguyên được kế thừa của chủng tộc và sử dụng những khả năng của riêng mình vào các mục đích xã hội.

– do đó, giáo dục là một quá trình của cuộc sống, chứ không phải là một sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai.

– trường học phải đại diện cho cuộc sống hiện tại – cuộc sống xét như có thực và sống động đối với trẻ em giống như cuộc sống của chúng trong gia đình, tại nơi các em sinh sống hoặc trên sân chơi.

 – sự giáo dục nào không diễn ra thông qua những hình thái của cuộc sống, những hình thái xứng đáng để sống vì lợi ích của chính những hình thái ấy, thì bao giờ cũng là một sự thay thế nghèo nàn cho thực tại đích thực và sự giáo dục ấy có khuynh hướng câu thúc và thiếu sức sống.

– Trường học xét như là một định chế nên đơn giản hóa đời sống xã hội hiện hữu; nên rút gọn đời sống đó, có thể nói như vậy, thành một hình thái phôi thai. Đời sống hiện tại là quá phức tạp, cho nên không thể để cho trẻ em tiếp xúc với đời sống đó mà không gây ra hoặc sự hoang mang hoặc sự mất tập trung; trẻ em hoặc bị áp đảo bởi vô số những hoạt động đang diễn ra khiến nó đánh mất khả năng phản ứng có trật tự, hoặc trẻ em bị kích thích quá mạnh bởi những hoạt động đa dạng này khiến cho những khả năng của chúng bị huy động quá sớm và vì thế chúng trở nên bị chuyên môn hóa không đúng lúc hoặc nếu không thì bị rối loạn.

– xét như đời sống xã hội đã được đơn giản hóa như vậy, cuộc sống nhà trường nên phát triển tự nhiên từ đời sống gia đình; cuộc sống nhà trường nên tiếp nhận và duy trì những hoạt động mà trẻ em đã quen thuộc trong gia đình.

– cuộc sống nhà trường nên đưa ra những hoạt động nói trên cho trẻ em và tái tạo những hoạt động ấy theo cách để cho trẻ em dần dần học được ý nghĩa của chúng, để trẻ em có khả năng đóng vai trò của mình trong mối quan hệ với những hoạt động ấy.

– đây là một yêu cầu tất yếu về mặt tâm lý bởi vì đây là cách duy nhất để đảm bảo tính liên tục trong sự trưởng thành của trẻ em và là cách duy nhất để cung cấp một hậu cảnh của kinh nghiệm quá khứ cho những khái niệm mới mẻ được cung cấp trong nhà trường.

– đây cũng là một yêu cầu tất yếu về mặt xã hội bởi vì gia đình là hình thái của đời sống xã hội trong đó trẻ em

[trước khi đến trường]

đã được nuôi dưỡng và đã được rèn luyện luân lý trong mối liên hệ với đời sống ấy. Trường học có bổn phận làm sâu sắc và mở rộng ý thức của trẻ em về những giá trị gắn liền với đời sống gia đình.

– hầu hết sự giáo dục hiện nay đều thất bại bởi vì nó coi nhẹ nguyên tắc cơ bản nói trên ấy là phải coi trường học như là một hình thái của đời sống cộng đồng. Người ta coi trường học như là một nơi ở đó những kiến thức nào đó phải được cung cấp, hoặc ở đó những bài học nào đó phải được học, hoặc ở đó những thói quen nào đó phải được hình thành. Ý nghĩa giá trị của những điều này được quan niệm như là hầu như nằm ở trong tương lai xa vời; trẻ em buộc phải làm những điều này vì lợi ích của một điều gì đó khác mà chúng sẽ phải làm; những điều này chỉ đơn thuần là những sự chuẩn bị. Kết quả là những điều đó không trở thành một bộ phận thuộc kinh nghiệm sống của trẻ em và do đó không mang tính giáo dục thực sự.

– giáo dục đạo đức tập trung vào quan niệm nói trên coi trường học như là một phương thức của đời sống xã hội, rằng rèn luyện đạo đức tốt nhất và sâu sắc nhất chính là sự rèn luyện mà con người tiếp nhận khi con người buộc phải tham gia vào những mối quan hệ thực sự với người khác trong một tính thống nhất của lao động và tư duy. Các hệ thống giáo dục hiện nay, trong chừng mực chúng phá hủy hoặc coi nhẹ tính thống nhất này, đều khiến trẻ em gặp khó khăn hoặc không thể tiếp nhận được bất cứ một sự rèn luyện đạo đức mang tính thường xuyên, đích thực nào.

– trẻ em nên được kích thích và được kiểm soát bằng công việc chúng làm thông qua đời sống của cộng đồng.

– trong hoàn cảnh hiện nay, người thầy cung cấp quá nhiều sự kích thích và sự kiểm soát, điều này là bởi vì sự coi nhẹ quan niệm xem trường học như là một hình thái của đời sống xã hội.

– vị trí và công việc của người thầy trong trường học phải được hiểu từ điểm xuất phát tương tự. Người thầy có mặt trong nhà trường không phải là để áp đặt những ý tưởng nào đó hoặc hình thành những thói quen nào đó ở trẻ em, mà người thầy có mặt ở đó như là một thành viên của cộng đồng để anh ta chọn lựa những sự ảnh hưởng gây tác động tới trẻ em và giúp trẻ em phản ứng lại những ảnh hưởng này theo cách thức thích hợp.

– kỷ luật của nhà trường nên xuất phát từ cuộc sống của trường học như là một chỉnh thể chứ không xuất phát trực tiếp từ người thầy.

– nhiệm vụ của người thầy đơn giản chỉ là xác định, trên cơ sở của kinh nghiệm rộng hơn và sự hiểu biết chín chắn hơn, rằng bằng cách nào để kỷ luật của cuộc sống phải đến được với trẻ em.

 – toàn bộ những vấn đề của sự phân loại trẻ em và lên lớp của trẻ em nên được quyết định bằng sự quy chiếu tới cùng chuẩn mực. Sự kiểm tra chỉ có tác dụng chừng nào chúng trắc nghiệm khả năng trẻ em thích nghi với đời sống xã hội và phát hiện ra vị trí nào trong đó chúng có thể có ích nhiều nhất và có thể nhận được sự giúp đỡ nhiều nhất.


Niềm tin III – Nội dung của giáo dục


Tôi vững tin rằng:

– đời sống xã hội của trẻ em là cơ sở của sự tập trung hoặc mối tương liên trong mọi sự rèn luyện hoặc tăng trưởng của chúng. Đời sống xã hội đem lại tính thống nhất mang tính vô thức và hậu cảnh của mọi nỗ lực và mọi thành tựu của trẻ em.

– nội dung của chương trình học trong nhà trường nên đánh dấu một sự phân hóa dần dần từ tính thống nhất vô thức ban đầu nói trên của đời sống xã hội.

– bằng cách giới thiệu cho trẻ em quá đột ngột một số môn học có tính chuyên ngành, môn đọc, viết, địa lý v.v. tách rời khỏi mối quan hệ với đời sống xã hội tức là chúng ta xâm phạm bản tính của trẻ em và khiến cho những kết quả đạo đức tốt đẹp nhất trở thành khó thực hiện.

– trong mối tương liên giữa các môn học của nhà trường thì trọng tâm đích thực không phải là môn khoa học, cũng không phải là môn văn học, môn lịch sử hay môn địa lý, mà là các hoạt động mang tính xã hội của chính trẻ em.

– giáo dục không thể được hợp nhất trong việc học môn khoa học hoặc môn học được gọi là môn học nghiên cứu thiên nhiên

[nature study]

, bởi vì thiên nhiên nếu tách rời khỏi hoạt động của con người thì bản thân nó không phải là một thể thống nhất; thiên nhiên tự bản thân nó là rất nhiều những vật khác nhau trong không gian và thời gian, và ý định dùng thiên nhiên tồn tại tách rời như là trọng tâm của sự học tập tức là đưa ra một nguyên tắc của sự phân tán chứ không phải nguyên tắc của sự tập trung.

 – văn học là sự biểu đạt và cách lý giả dội lại từ kinh nghiệm xã hội; vì thế văn học phải đi theo trải nghiệm xã hội chứ không đi trước trải nghiệm xã hội; văn học do đó không thể được dùng làm cơ sở, mặc dù văn học có thể được coi là bản tóm lược của sự thống nhất.

– một lần nữa, môn lịch sử có giá trị giáo dục chừng nào nó giới thiệu những giai đoạn của đời sống xã hội và sự tăng trưởng. Môn lịch sử phải được kiểm soát bằng sự quy chiếu tới đời sống xã hội. Nếu chỉ đơn thuần được coi như là môn lịch sử, môn lịch sử sẽ bị ném vào quá khứ xa xưa và trở thành vô dụng và vô hồn. Nếu được coi như là sự ghi lại đời sống xã hội và sự tiến bộ của con người, môn lịch sử sẽ trở nên tràn đầy ý nghĩa. Nhưng tôi tin rằng môn lịch sử không thể được nhìn nhận là như vậy nếu như trẻ em không được làm quen trực tiếp với đời sống xã hội.

– Cơ sở đầu tiên của giáo dục nằm ở những khả năng đang phát triển ở trẻ em theo những nguyên tắc kiến tạo chung tương tự như những nguyên tắc đã sản sinh ra nền văn minh.

– cách duy nhất để làm cho trẻ em ý thức được di sản xã hội của chúng là cho phép trẻ em thực hiện những kiểu hoạt động căn bản đã làm nên nền văn minh như nó đang là.

– vì thế tôi tin vào những hoạt động mang tính chất tự bộc lộ và có tính chất kiến tạo xét như là trọng tâm của mối tương liên [của các môn học].

– điều này cung cấp chuẩn mực để đánh giá vị trí của môn dạy nấu ăn, may vá, lao động thủ công v.v trong trường học.

– đó không phải là các môn học chuyên ngành phải được bổ sung bên cạnh rất nhiều những môn học khác theo cách chúng là hoạt động giải trí hoặc thư giãn hoặc như là những tài năng bổ sung. Đúng hơn, tôi tin rằng, xét như là kiểu loại, chúng đại diện cho những hình thái cơ bản của hoạt động xã hội; và rằng điều có thể làm được và đáng làm là dùng các hoạt động này làm phương tiện để dạy cho trẻ em các môn học mang tính chính quy hơn của chương trình học.

– việc học môn khoa học chỉ mang tính chất giáo dục chừng nào nó làm nổi bật những vật liệu và quá trình làm thành đời sống xã hội như nó đang là.

– hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất của việc giảng dạy môn khoa học nằm ở chỗ vật liệu được trình bày dưới hình thức thuần túy khách quan, hoặc giả được coi như là một dạng kinh nghiệm riêng biệt mà trẻ em có thể bổ sung vào kinh nghiệm sẵn có của chúng. Trên thực tế, môn khoa học có giá trị bởi vì nó đem lại khả năng giải thích và kiểm soát kinh nghiệm sẵn có. Môn khoa học nên được dạy không phải chủ yếu như là một nội dung hoàn toàn mới, mà như là sự chỉ ra những nhân tố đã tham gia vào những kinh nghiệm  trước đó, và như là sự cung cấp những công cụ nhờ đó kinh nghiệm có thể được điều chỉnh một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

– hiện nay, chúng ta đang đánh mất hầu hết giá trị của môn văn học và môn văn học Anh ngữ bởi vì chúng ta loại bỏ yếu tố xã hội. Trong các sách giáo khoa sư phạm, ngôn ngữ hầu như được đối xử đơn thuần như là sự bày tỏ tư tưởng. Ngôn ngữ đúng là một công cụ lô-gich, song về cơ bản và trên hết nó là một công cụ mang tính xã hội. Ngôn ngữ là phương tiện của giao tiếp; nó là công cụ để một cá nhân có thể chia sẻ ý nghĩ và cảm xúc với người khác. Nếu được coi đơn thuần như là một cách để tiếp nhận thông tin cho cá nhân, hoặc giả như là một phương tiện để khoe khoang những gì đã học, ngôn ngữ sẽ bị mất đi động cơ và mục đích mang tính xã hội.

– do đó, hoàn toàn không có trình tự kế tiếp nhau của các môn học trong chương trình học lý tưởng. Nếu giáo dục là cuộc sống thì mọi sự sống khởi thủy đều mang một khía cạnh khoa học, một khía cạnh nghệ thuật và văn hóa và một khía cạnh của sự truyền thông. Vì thế không phải là đối với một cấp học này thì các môn học thích hợp chỉ là tập đọc và tập viết, còn môn đọc hoặc môn văn học hoặc môn khoa học được dạy ở một cấp học cao hơn. Sự tăng tiến không nằm ở trình tự kế tiếp của các môn học mà nằm ở sự phát triển những thái độ mới mẻ đối với trải nghiệm và những mối quan tâm mới mẻ tới trải nghiệm.

– giáo dục phải được quan niệm như là một sự liên tục tái cấu tạo lại kinh nghiệm; rằng quá trình và mục đích của giáo dục là một và như nhau.

– đặt ra bất kỳ một mục đích nào nằm ngoài giáo dục, xét như là sự cung cấp mục đích và chuẩn mực của giáo dục, tức là tước đi hầu hết ý nghĩa của quá trình giáo dục và dễ khiến cho chúng ta trông cậy vào những sự kích thích giả tạo từ bên ngoài trong khi làm việc với trẻ em.


Niềm tin IV –  Bản chất của phương pháp

 
Tôi vững tin rằng:

– vấn đề phương pháp rút cục có thể rút gọn thành vấn đề của trật tự phát triển của những khả năng và mối quan tâm của trẻ em. Quy luật cho việc giới thiệu và xử lý vật liệu là quy luật hàm ẩn trong bản tính của trẻ em. Chính vì như vậy mà tôi tin rằng những phát biểu dưới đây có tầm quan trọng bậc nhất xét như chúng quyết định cái tinh thần trong đó giáo dục được duy trì:

– ở sự phát triển bản tính của trẻ em, mặt năng động bao giờ cũng đi trước mặt thụ động; trẻ em biết tự biểu hiện trước khi chúng có ấn tượng hữu thức; sự phát triển cơ bắp xảy ra sớm hơn sự phát triển tri giác; sự vận động xuất hiện sớm hơn tri giác hữu thức; tôi tin rằng [ý thức] về bản chất nó mang tính chất vận động hoặc xung năng; rằng các trạng thái hữu thức có khuynh hướng tự phóng chiếu chúng vào hành vi.

– sự coi nhẹ nguyên lý nói trên là nguyên nhân của phần lớn sự lãng phí thời gian và sức lực trong công việc của nhà trường. Trẻ em bị đẩy tới chỗ có thái độ mang tính thụ động, tiếp nhận hoặc hấp thu. Những điều kiện là như thế nào đó khiến cho trẻ em không được phép làm theo đúng quy luật của bản tính; hậu quả là sự xung đột và lãng phí.

– khái niệm (những quá trình thuộc trí tuệ và sự suy lý) cũng là kết quả của hành động và chúng tiếp tục tồn tại vì lợi ích của sự kiểm soát hành động một cách tốt hơn. Cái được chúng ta gọi tên là khả năng lập luận trước hết là quy luật của hành động có trật tự hoặc có hiệu quả. Cố gắng phát triển những khả năng lập luận, những năng lực phán đoán, mà không có sự liên quan tới sự chọn lọc và sắp xếp các phương tiện của hành động, chính là sai lầm căn bản trong các phương pháp của chúng ta khi giải quyết vấn đề này. Hậu quả dẫn đến là chúng ta giới thiệu cho trẻ em những biểu trưng độc đoán. Biểu trưng là một nhu cầu tất yếu phải có trong sự phát triển tinh thần, song chúng đóng vai trò như là công cụ cho sự tiết kiệm công sức; khi được trình bày tách rời, chúng là một đống những khái niệm vô nghĩa và độc đoán được áp đặt từ bên ngoài.

– hình ảnh là phương tiện quan trọng của truyền đạt. Những gì một đứa trẻ rút ra từ bất kỳ một chủ đề nào được trình bày với nó thì chỉ đơn giản là những hình ảnh do chúng tự hình thành về chủ đề đó.

– Nếu chín phần mười nỗ lực hiện nay thay vì nhắm tới việc bắt trẻ em học những điều nào đó lại được dùng vào việc đảm bảo sao cho trẻ em hình thành những hình ảnh thích hợp, khi ấy công việc truyền đạt sẽ trở nên dễ dàng rất nhiều.

– hiện nay, hầu hết thời gian và sự chú ý đều dành cho việc chuẩn bị và trình bày những bài học mà lẽ ra khôn ngoan và có lợi hơn nếu được dành cho việc rèn luyện những khả năng tưởng tượng của trẻ em và đảm bảo sao cho trẻ em có thể liên tục hình thành những hình ảnh ngày càng lớn dần lên, vừa xác thực vừa sống động về các chủ đề khác nhau mà chúng tiếp xúc bằng sự trải nghiệm của mình.

– sự quan tâm là dấu hiệu và sự biểu hiện của năng lực đang phát triển. Tôi tin rằng hứng thú đại diện cho những năng lực ở giai đoạn sơ khai. Do đó, quan sát liên tục và cẩn thận những mối quan tâm của trẻ em là điều có tầm quan trọng hàng đầu đối với nhà giáo dục.

– những mối quan tâm đó phải được quan sát xét như chúng cho biết tình trạng của sự phát triển mà đứa trẻ đã đạt tới. 

– chúng tiên đoán giai đoạn mà trẻ em sắp bước vào.

– chỉ bằng sự quan sát liên tục và cảm thông dành cho những mối quan tâm của trẻ em thì người lớn mới có thể bước vào đời sống của trẻ em và biết được đời sống ấy đang sẵn sàng cho điều gì, và dựa vào vật liệu nào thì đời sống ấy mới có thể phát triển dễ dàng và đem lại kết quả nhiều nhất.

– không được phép chiều chuộng cũng như không được phép đàn áp những mối quan tâm này. Đàn áp mối quan tâm tức là thay thế trẻ em bằng người lớn, và như vậy là làm suy yếu khả năng tò mò trí tuệ và sự nhạy bén, là ngăn chặn sáng kiến và giết chết sự hứng thú. Chiều chuộng mối quan tâm tức là thay thế cái bền vững bằng cái nhất thời. Sự quan tâm bao giờ cũng là dấu hiệu của năng lực nào đó nằm ở bên dưới; điều quan trọng là phải phát hiện ra năng lực này. Chiều chuộng mối quan tâm tức là không thể xâm nhập xuống bên dưới bề mặt của nó, hệ quả chắc chắn xảy ra sẽ là sự thay thế sự quan tâm đích thực bằng sự đồng bóng và trái tính trái nết.

– cảm xúc là sự phản ánh hành vi.

– cố gắng kích thích hoặc đánh thức cảm xúc tách rời khỏi những hoạt động tương ứng với chúng tức là tạo ra một trạng thái tinh thần không lành mạnh và bệnh hoạn.

– chỉ cần chúng ta có thể tạo ra được những thói quen hành động và suy tưởng đúng đắn trong mối liên quan với cái tốt, cái đúng và cái đẹp, khi ấy cảm xúc sẽ hầu như tự lo liệu cho chính nó.

– bên cạnh sự thiếu sinh khí và tẻ nhạt, chủ nghĩa hình thức và sự rập khuôn, nền giáo dục của chúng ta không bị điều tai họa nào đe dọa nhiều hơn bằng thuyết duy cảm [sentimentalism].

– thuyết duy cảm này là hậu quả tất yếu của ý định tách rời cảm xúc ra khỏi hành động.


Niềm tin V –  Nhà trường và tiến bộ xã hội

Tôi vững tin rằng:

– giáo dục là phương pháp căn bản của tiến bộ và cải cách xã hội.

– mọi cải cách đơn thuần dựa vào việc ban hành luật pháp, hoặc dùng những hình phạt nào đó để đe dọa, hoặc dựa vào những thay đổi trong sự sắp xếp máy móc hoặc bề ngoài, thì đều là mang tính nhất thời và vô ích.

– giáo dục là một sự điều chỉnh quá trình chia sẻ ý thức xã hội; và sự điều chỉnh hoạt động của cá nhân trên cơ sở của ý thức xã hội này là phương pháp duy nhất chắc chắn của sự tái cấu tạo lại mang tính xã hội.

– quan niệm này quan tâm thích đáng tới cả lý tưởng cá nhân lẫn lý tưởng xã hội. Nó quan tâm thích đáng tới cá nhân bởi vì nó thừa nhận sự hình thành của một nhân cách nào đó là nền tảng đích thực duy nhất của cuộc sống đúng đắn. Nó quan tâm thích đáng tới xã hội bởi vì nó thừa nhận rằng nhân cách đúng đắn nói trên không được phép hình thành bằng giáo huấn, tấm gương hay lời hô hào đơn thuần mang tính cá nhân, mà phải bằng sự ảnh hưởng của một hình thái nào đó của đời sống mang tính định chế hoặc đời sống cộng đồng đối với cá nhân, và tổ chức xã hội dựa vào trường học xét như là bộ phận của nó, có thể quyết định những kết quả đạo đức.

– trong nhà trường lý tưởng chúng ta có sự hòa hợp giữa lý tưởng cá nhân và lý tưởng mang tính định chế.

– vì lẽ đó, bổn phận của cộng đồng đối với giáo dục là bổn phận đạo đức tối cao. Bằng luật pháp và sự trừng phạt, bằng sự vận động xã hội và tranh luận, xã hội có thể điều chỉnh và tự hình thành theo cách hầu như tùy tiện và ngẫu nhiên. Nhưng thông qua giáo dục, xã hội có thể phát biểu những mục đích của nó, có thể tổ chức những phương tiện và nguồn lực, và bằng cách ấy xã hội tự định hình một cách rõ rệt và tiết kiệm theo một chiều hướng mà nó mong muốn đi tới.

– một khi xã hội thừa nhận những khả năng xảy ra theo hướng này, và những nghĩa vụ bắt buộc đi kèm với những khả năng này, khi ấy không thể quan niệm được rằng những nguồn lực về thời gian, sự quan tâm và tiền bạc sẽ được phó mặc cho nhà giáo dục tùy ý sử dụng.

– bất cứ ai quan tâm tới giáo dục đều có bổn phận đòi hỏi trường học phải là lợi ích số một và lợi ích hiệu quả nhất của tiến bộ và cải cách xã hội, để cho xã hội có thể nhận thức được rằng trường học đại diện cho cái gì và nhận ra sự tất yếu phải cung cấp cho nhà giáo dục phương tiện đầy đủ để họ hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách thích đáng.

– nếu được quan niệm theo cách như thế, giáo dục sẽ làm nổi bật trong kinh nghiệm [của cá nhân] sự kết hợp hoàn hảo và mật thiết nhất giữa khoa học và nghệ thuật .

– theo cách như vậy, nghệ thuật gây ảnh hưởng tới những khả năng của con người và làm cho những khả năng ấy có ích cho xã hội chính là nghệ thuật tối cao; một nghệ thuật huy động những gì tốt đẹp nhất của người nghệ sĩ; không có sự nhận thức, lòng cảm thông, sự tế nhị, năng lực thực hành nào là quá lớn đối với sự phục vụ như vậy.

– Sự phát triển của ngành tâm lý học đã bổ sung sự hiểu biết về cấu trúc cá nhân và những quy luật của phát triển; và sự phát triển của khoa học xã hội bổ sung sự hiểu biết về sự tổ chức đúng đắn của các cá nhân, mọi nguồn lực khoa học đều có thể được sử dụng vào các mục đích của giáo dục.

– khi khoa học và nghệ thuật kết hợp với nhau theo cách như vậy, chúng ta sẽ tìm thấy động lực điều khiển lớn nhất cho hành vi của con người, chúng ta sẽ đánh thức những nguồn suối đích thực của ứng xử con người, và chúng ta có thể đảm bảo được rằng bản tính con người chắc chắn sẽ đem lại sự phục vụ tốt nhất.

– người thầy không chỉ đơn giản tham gia vào việc rèn luyện các cá nhân, mà người thầy còn tham gia vào việc hình thành đời sống xã hội đúng nghĩa.

– mỗi người thầy nên nhận thức rõ phẩm giá nghề nghiệp của mình; rằng mình là một nô bộc xã hội được giao riêng nhiệm vụ duy trì trật tự xã hội thích hợp và đảm bảo sự phát triển xã hội đúng đắn.

– theo cách này, người thầy mãi mãi là nhà tiên tri của Thượng đế đích thực và là người trợ giáo trong vương quốc đích thực của Thượng đế.

PHẠM ANH TUẤN dịch (trong John Dewey Bàn về giáo dục, Phạm Anh Tuấn dịch, nhà xuất bản Trẻ/DTBooks/Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục IRED ấn hành năm 2012)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0904013646