Trao đổi tiếp với cô giáo Phan Tuyết về đề bài Văn “tả con chó”

Tôi viết tiếp về đề tài này xuất phát từ tình cảm chân thành tôi luôn dành cho các thầy cô những người trực tiếp đứng lớp, những người làm việc với thực tiễn. Mọi ý kiến của các thầy cô, dù tôi thấy đúng hay sai, đều là có cơ sở thực tiễn, vì thế luôn có giá trị.

Thưa Cô giáo, nếu ở bài trước tôi có dẫn dụng Piaget hay Hegel thì đó chẳng phải là vì cái gì “cao xa” cả. Đấy là để nói đến sự thật hay qui luật của Tư duy Người. Tư duy làm công việc trừu tượng hóa, làm công việc tưởng tượng chính là “công cụ” (công cụ “vô hình” trong đầu) đầu tiên của Loài người đấy. Công cụ này có thể được gọi bằng cái tên chung là TƯ DUY BIỂU TƯỢNG.  Nhờ có công cụ này mà ngày nay Loài người mới có khoa học, nghệ thuật, văn hóa, mới có nền văn minh, bằng không vẫn còn ở … trong hang. Animal symbolicum (Con người có biểu tượng) đến trước animal rationale (con người có duy lý trí).

Thực ra là vẫn còn quanh quẩn ở ngoài cửa hang. Những bức tranh đầu tiên của Loài người được sáng tác cách đây trên 40 ngàn năm là lúc Con người đã biết ra khỏi hang, dựng lều ở khu vực cửa hang. Sau đó họ quay trở vào lại trong hang và làm ra “gallery” tranh đầu tiên của Loài người.

Thuần hóa động vật, tức đem con vật ở tự nhiên về nuôi (để ăn dần, không còn phụ thuộc vào săn bắt may rủi nữa) cũng ra đời vào giai đoạn đó (Thời kỳ Đồ đá mới). Chỉ loài có tư duy biểu tượng mới làm được kỳ tích này.

Biết tìm ra mối tương quan giữa các vật và nhờ đó có thể sáng tác các câu truyện “bằng hình ảnh tưởng tượng”. Đó là “nguồn gốc” của những câu truyện thần tiên, thần thoại … Môn nhân học gọi là tư duy nguyên thủy, tức tư duy tiền-khoa học. Con người không phải là loài mạnh nhất về sức mạnh cơ bắp, song nhờ có tư duy biểu tượng nó mới có cách “thoát khỏi” (flight) bị các loài khác tiêu diệt. Thậm chí con người còn tưởng tượng ra một “thế giới khác”, một “thế giới bên kia” hòng thoát khỏi cái CHẾT.

Biểu tượng là gì? Biểu tượng là hình ảnh tưởng tượng chủ quan ở trong đầu về “vật” hay “dấu hiệu” (sign) ở bên ngoài. Đó là lý do vì sao cùng một “kỷ niệm” giống nhau, song với người này thì thành một “tác phẩm nghệ thuật” còn với người khác có thể không. Biểu tượng không phải là vật. Biểu tượng bao giờ cũng là nhân tạo (artificial). Vì thế mỗi người có thể mang theo mình bất cứ “dấu hiệu”, bất cứ “vật” gì dưới dạng “biểu tượng” để đi bất cứ đâu mình muốn. Nhưng con người không tư duy để “cho vui” hay để “giải trí”, mà là để “sống”, để sống sót, sống sót đến ngày hôm nay. Đó chính là ý nghĩa sâu xa của “tư duy là công cụ”.

Thưa Cô giáo, tất cả những điều trên cũng chẳng có gì “cao xa” cả, như một số bình luận viên có ý trách người viết bài này. Chỉ là do chút chăm chỉ học từ trong sách của Cụ John Dewey đó thôi. Đó là từ thuyết công cụ luận (instrumentalism) và triết lý giáo dục của Cụ: Giáo dục chính là bản thân cuộc sống. Học Văn không phải là để giải trí, để cho vui, dù được khoác vỏ bọc mỹ miều là “giáo dục thẩm mỹ”. Cho nên không thể học Văn theo lối học thuộc lòng rồi bình-tán, để “tả lại” hay “kể lại” dựa theo một khuôn mẫu, bài văn mẫu, suy nghĩ mẫu cho sẵn, áp đặt, cốt để vượt qua các cuộc kiểm tra, thi cử theo lối đáp án đúng/sai.

Ở Việt Nam, GS. Hồ Ngọc Đại đã nhận ra điều này. Ông dùng một hình ảnh ví von là học Văn tức là phải bắt được con “Văn”. Nhưng ông mới chỉ dừng lại ở ý tưởng. Hồ Ngọc Đại chưa tìm ra được giải pháp bắt được con “Văn”. Nhóm Cánh Buồm đã nhận ra được điều này trước Hồ Ngọc Đại và đã tìm ra giải pháp thực thi và giải pháp ấy đã được biên soạn thành SÁCH GIÁO KHOA MÔN VĂN của Nhóm Cánh Buồm. Hiện nay đã có SGK Văn Cánh Buồm từ lớp Một đến Lớp Chín. Đường lối dạy Văn của Cánh Buồm là tổ chức cho người học ĐI LẠI CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI NGHỆ SỸ. Tức tìm nguồn gốc của cái khởi đầu, nguồn gốc của “cái nguồn gốc đầu tiên”. Tức là: TÌM NGUỒN GỐC SINH TRIỂN CỦA TÁC PHẤM NGHỆ THUẬT. Trên con đường đầy hứng thú này, mỗi người học tự đi lại con đường của người nghệ sỹ theo cách của riêng mình trong khi sử dụng cái “công cụ số một”, được sử dụng ngay từ buổi bình minh của loài người như đã nói tới ở trên. Trên con đường ấy, đường đi cũng là đích đến, có thể có sai, có lầm lạc, thậm chí thất bại, song như thế mới đúng như quy luật tự ngàn đời của CUỘC SỐNG, cuộc sống là như thế đấy.

Có thể có người sẽ vặn lại: như thế chức năng giáo dục của Nhà trường nằm ở đâu, như thế là khuyến khích học sinh tự do vô tổ chức và Nhà trường không thể “đánh giá” được kết quả học tập. Đây là một câu hỏi hay. Xin được hẹn một bài viết khác.

PHẠM ANH TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0904013646