TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

Nếu có ai hỏi tôi “Triết lý giáo dục là gì?”, tôi sẽ trả lời “Tôi không biết”. Nhưng nếu không hỏi thì tôi biết. Tôi biết cái gì tôi đang nghĩ ở trong đầu. Tôi nghĩ những gì tôi đã đọc, đã nghe, đã thấy, đã “bức xúc” vân vân và vân vân. Rồi từ đó, nếu muốn, tôi có thể rút ra một Ý TƯỞNG nào đó.

Tiếp tục, nếu có ai đề nghị tôi hãy nói ý tưởng đó ra thử xem nào. Thì tôi cũng có thể sẽ nói ra được, miễn là tôi có khả năng viết. Nếu ý tưởng của tôi được đem ra tranh luận thì tôi cũng sẽ cố bảo vệ ý tưởng của mình, đơn giản vì tôi nghĩ là mình đúng. Bản thân tôi tự nhận mình cũng không có “triết lý giáo dục” của tôi. Tôi tranh luận nhiều trên báo chí, song với tư cách là người diễn giải hoặc đôi khi cố gắng chú giải triết lý giáo dục của người khác. Người đó có thể, chẳng hạn, là John Dewey, nhà triết học giáo dục mà bản thân tôi nghiên cứu nhiều và giới thiệu nhiều vào Việt Nam.

Đó là tình hình tranh luận về TRIẾT LÝ GIÁO DỤC hiện nay. Ai cũng có thể cho là mình đúng. Ai cũng tranh luận về cái mà mình không có. Ý tưởng không phải là cái gì có một cách hiện thực. Ý tưởng chỉ là cái gì “sẽ là”.

Một người có triết lý giáo dục đích thực, theo tôi, phải hội tụ bốn khả năng. Một, có ý tưởng. Tài năng nghiên cứu cao đến đâu thì ý tưởng cao đến đó. Những ý tưởng vĩ đại chỉ thuộc về thiểu số hiếm hoi những triết gia lớn. Có thể kể một vài cái tên: Rousseau, Kant, John Locke, Humboldt. Có ý tưởng rồi thì còn phải có “cơ duyên” nữa. Jean Piaget không tình cờ gặp Albert Einstein có lẽ ông sẽ không đi tiếp con đường nghiên cứu giáo dục, mà có thể đã là một nhà sinh vật học. Howard Gardner không có cô con gái học đại học chia sẻ những câu chuyện ở trường thì có lẽ Gardner không viết một loạt sách có tính triết lý giáo dục, trong đó có quyển The Unschooled Mind (Trí khôn phi học đường). Như vậy, đến với giáo dục là cái “duyên” và có sự tác động rất lớn của khí chất cá nhân. Immanuel Kant suốt đời sống độc thân, vậy mà dành rất nhiều thời gian để viết về “pedagogy”, nguyên nghĩa là “giáo dục trẻ em”.

Hai, có “ý tưởng” đấy, song còn phải có khả năng “thực thi” ý tưởng. Tức là phải đưa ra được “phương pháp thực thi”. Thực tế là nếu có hỏi đến phương pháp thì hầu hết những ai gọi là có “ý tưởng” thì cũng chỉ nói được một cách ý tưởng mà thôi. Tức là đặt ý tưởng của mình vào một môi trường “lý tưởng”, không gặp khó khăn, trở ngại gì. Giống như ai cũng có thể nói “hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy tung cả trái đất”.

Ba, ý tưởng và phương pháp phải “thành tựu” ở “sản phẩm”. Sản phẩm ấy là SÁCH GIÁO KHOA hay là SÁCH MANG HÌNH THÁI CỦA SÁCH GIÁO KHOA (nhiều nhà nghiên cứu hiện nay đang viết những bộ sách mang hình thái sách giáo khoa và họ cũng chẳng cần nói đó là “sách giáo khoa”). Ý tưởng, phương pháp như thế nào thì thể hiện ra thành sách giáo khoa như thế nấy.

Bốn, rất quan trọng, là phải có tài nghệ viết. Rất nhiều người có ý tưởng, có hẳn phương pháp thực thi (vẽ ra trong đầu” rất hay), song không đủ tài nghệ để viết ra được thành SÁCH GIÁO KHOA. Và nếu có càng cố viết thì lại càng lòi ra ý tưởng và phương pháp thực thi yếu kém.

BÂY GIỜ, tôi chỉ xin được đặt một câu hỏi: ĐẾN LÚC NÀY, chúng ta có thể kiểm lại có bao nhiêu người làm giáo dục hội tụ được bốn khả năng trên. Có thể có người sẽ vặn lại “Vậy, chúng ta vẫn đang có SÁCH GIÁO KHOA đấy thôi. Hà cớ gì phải nhiêu khê như vậy?” Không hề “nhiêu khê”! Nếu đúng như vậy thì sao cứ phải tranh cãi triền miên về “triết lý giáo dục” cho mệt ra và chưa biết bao giờ mới ngã ngũ, cứ thế mà làm thôi chứ!

Đơn giản vậy thôi. Có gì không đúng mong các bậc cao minh chỉ giáo. Chỉ xin đừng chỉ giáo một cách ý tưởng. Nếu không chúng ta sẽ lại quay trở lại tình trạng ban đầu: tranh cãi triền miên về triết lí giáo dục, một cách ý tưởng!

PHẠM ANH TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0904013646