Tuổi thọ “sách giáo khoa?!

Khái niệm TUỔI THỌ SÁCH GIÁO KHOA (tạm mượn một cụm từ quen thuộc của lĩnh vực “bảo hiểm”: school textbook life expectancy) xuất hiện tại Việt Nam từ bao giờ? Và, đây mới là điều quan trọng mà bài viết này muốn lật tẩy: ai là người, vì động cơ gì, đã tìm mọi cách để cả xã hội “nhập nhĩ” cái cụm từ này?!

Trước khi Giáo dục Việt Nam biết vay tiền nước ngoài để làm sách giáo khoa phổ thông thì Việt Nam không có khái niệm tuổi thọ sách giáo khoa. Điều này rõ như ban ngày. Ai cũng có thể kiểm chứng.

Trước khi Việt Nam làm giáo dục theo kiểu dự án, mà các dự án bao giờ cũng gắn với nhiệm kỳ của một bộ trưởng nào đó, thì ở Việt Nam chưa ai nghe nói tới khái niệm “tuổi thọ sách giáo khoa”.

Mặt khác, kể từ sau khi Giáo dục Việt Nam đã biết làm giáo dục theo kiểu dự án, xã hội bắt đầu được nghe nói tới cụm từ “tuổi thọ SGK”. Thế nhưng, cùng lúc đó lại vẫn có những bộ SGK thoát khỏi “vòng sinh tử” này. Đơn cử, bộ sách Tiếng Việt của Công nghệ Giáo dục (CGD) thọ trên 30 tuổi, bị “bóp mũi cho chết” (lời GS Hồ Ngọc Đại) năm 2006, thì nay vẫn đang sống khỏe tuy có phần sống “ẩn dật”.

Lại có một ví dụ khác: TOÀN BỘ sách GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT VÀ NGỮ VĂN của chương trình phổ thông chỉ do ĐỘC NHẤT một người là chủ biên vẫn đang và chắc chắn sẽ tiếp tục thách thức vòng sinh tử! Ngót nghét hai chục năm rồi mà vẫn chưa già!

Vậy, toàn xã hội thấy thế nào về cụm từ “tuổi thọ SGK”!

Sự thật là thế này: “tuổi thọ sách” là một khái niệm gắn với công việc bảo quản sách, chủ yếu là công việc liên quan đến thư viện (life span of books). Người ta tính toán là trung bình mỗi cuốn sách sẽ bị hư hỏng tự nhiên theo thời gian sử dụng (wear and tear), như mọi hàng hóa khác, sau 30-35 lần cho mượn và thư viện cần thay thế. Tức cái tuổi thọ “vật chất” của một cuốn sách cụ thể bằng giấy. “Tuổi thọ” được tính toán có khoa học chứ không phải theo cảm tính. Có cả một môn khoa học phân loại sách gọi là hệ thống “Dewey” (không phải lấy tên nhà giáo dục John Dewey mà chương trình tổng thể mới đây có nhắc đến tên ông mà không hỏi qua người viết bài này!). Như thế, mỗi thư viện hằng năm sẽ dự trù ngân sách cho việc thay thế này. Các nhà xuất bản cũng thế, mỗi nhà xuất bản sẽ có kế hoạch tái bản cho mỗi cuốn sách, một cách cụ thể và tùy theo nhu cầu của thị trường.

Sách giáo khoa cũng không nằm ngoài “vòng sinh tử” như mọi loại sách khác. Nhưng tuổi thọ của SGK phải được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là nghĩa nói trên. SGK có dùng thì tất nhiên phải có hỏng (rách, bong gáy, đánh mất …). Như thế, nếu đất nước có điều kiện thì bắt đầu mỗi niên học các bậc phụ huynh mua cho con em mình một bộ SGK mới, được đóng, in ấn thật chắc chắn, thơm phức mùi giấy, thì thôi thì cũng tạm chấp nhận được (mặc dù tốt hơn là sau khi dùng xong mỗi học sinh tặng lại thư viện nhà trường để tận dụng cho các lớp sau, như các nước giàu người ta cũng vẫn làm).

Nghĩa thứ hai là nghĩa “tinh thần”, tức giá trị “trí tuệ” của mỗi một bộ SGK. Giá trị ấy nằm ở TƯ TƯỞNG SƯ PHẠM – PHƯƠNG PHÁP BIÊN SOẠN – TÀI NGHỆ VIẾT SÁCH (và cả cái DUYÊN ) của mỗi tác giả chủ biên cụ thể. Như thế, “tuổi thọ SGK”, nếu muốn dùng cụm từ này cũng được, phụ thuộc vào ba điều trên và được đánh giá dựa trên sự chấp nhận của NGƯỜI HỌC và của XÃ HỘI nói chung. Thật vô nguyên tắc khi điều chỉnh “tuổi thọ SGK”, lúc thì 5, lúc thì 7, lúc thì 10 năm, tùy theo mỗi đợt xin được tiền để thay SGK. Và người điều chỉnh tuổi thọ và người làm công việc thay SGK từ đầu đến cuối, từ xưa đến nay cũng vẫn CHỈ LÀ MỘT

Xóa bỏ ĐỘC QUYỀN BIÊN SOẠN SGK tức khắc sẽ giải thể thế độc quyền XUẤT BẢN SGK, và SGK không còn phụ thuộc vào TUỔI THỌ CÓ KỲ HẠN. Giáo dục Việt Nam sẽ tức khắc có NHỮNG bộ SGK tử tế, những bộ SGK tồn tại TỰ NHIÊN và ĐỒNG HÀNH cùng TRẺ EM VIỆT NAM. MÀ LẠI KHÔNG TỐN MỘT ĐỒNG ĐI VAY.

Việc này có khó không?

PHẠM ANH TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0904013646