Về các ý kiến đóng góp cho CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ

Đọc báo thời gian qua thấy có nhiều ý kiến đóng góp cho CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ, thậm chí có cả ý kiến của một đại biểu Quốc hội đề nghị nên lùi thời gian thực hiện Chương trình ít nhất một năm. Song, nhiều ý kiến như vậy hầu như chỉ mang tính chất giải tỏa bức xúc trước một CÁCH LÀM không rõ ràng, thiếu cơ sở khoa học. Tệ hơn, sự góp ý bỗng xoay sang hướng đổ lỗi cho GIÁO VIÊN, những người trực tiếp hằng ngày đứng lớp. Với chương trình học hiện nay, với kiểu làm sách giáo khoa hiện nay, kiểu đào tạo giáo viên hiện nay và kiểu nghiên cứu giáo dục hiện nay, thì các thầy cô vẫn trụ lại với công việc dạy học là điều đáng khâm phục. Các thầy cô thực sự là những anh hùng, những anh hùng vô danh. Đổ lỗi trước tiên cho các thầy cô là vô lý, thậm chí nhẫn tâm.

 Vấn đề không phải là phê phán theo kiểu góp ý, mà vấn đề nằm ở chỗ phải đưa ra được một CÁCH LÀM MỚI, chí ít là để thi đua (hay gọi là “tham gia đấu thầu”, nếu muốn gọi thế cũng được) với cách làm (“chỉ định” nhà thầu). Ngặt nỗi, muốn làm được như thế thì trước hết phải hiểu cặn kẽ nội tình của câu chuyện dẫn đến Chương trình tổng thể ngày hôm nay. Thứ hai, điều có tính cốt yếu, đó là phải CÓ SẴN MỘT BỘ SÁCH GIÁO KHOA CÓ THỂ DÙNG NGAY ĐƯỢC, được biên soạn theo một cách mới và cách làm ấy đã được “thử thách” và đang được triển khai tốt rồi.

Chương trình nào cũng vậy, muốn nói giời nói biển gì thì nói, đều thâu tóm ở BỘ SÁCH GIÁO KHOA. Khi Chương trình tổng thể không nói được họ sẽ dùng bộ sách giáo khoa nào, thì mọi góp ý sẽ vĩnh viễn không tài nào làm ướt được cái lá khoai môn.

Vậy, có thể phỏng đoán Chương trình tổng thể sẽ dùng bộ sách giáo khoa nào? Rất may là có thể được. Tôi dựa vào hai điều: một, bộ sách giáo khoa VNEN và, hai, bộ sách giáo khoa được dùng liên tục từ CT2000 đến nay, được tái bản mười mấy lần, qua các nhiệm kỳ bộ trưởng khác nhau, qua nhiều đợt “thay sách giáo khoa”, và những phát biểu của Tổng chủ biên hiện nay trước và sau khi ông giữ vị trí này.

Về SGK VNEN, để nhìn thấy mặt mũi bộ SGK này quả là một kỳ công, có thể dùng làm tư liệu cho một cuốn tiểu thuyết trinh thám hạng xoàng (vì người đọc ngay từ đầu đã biết trước “kết thúc có hậu”). Có hai điều lớn có thể nhận thấy ngay về SGK VNEN: (1) SGK VNEN không đề tên tác giả biên soạn. Chỉ đề một cái tên chung chung: Vụ Giáo dục tiểu học. Có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là, sách giáo khoa phải đề tên rõ ràng tác giả biên soạn. Vì lý do gì SGK không đề rõ tên người biên soạn. Đây là điều khó hiểu và Bộ GD&ĐT cần giải thích một cách thấu đáo; (2) Tôi có trong tay bộ SGK VNEN môn Tiếng Việt từ lớp Hai đến lớp Năm (không tìm được sách Tiếng Việt lớp Một?!) và toàn bộ SGK môn tiếng Việt và Ngữ Văn từ lớp Hai đến lớp Chín của chương trình hiện hành, tất cả đều do GS. Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình tổng thể lần này) làm chủ biên. Người có nghề có thể nhận ra ngay “cấu trúc” biên soạn của hai bộ sách giáo khoa này giống hệt nhau. Đó là lối soạn sách giáo khoa theo lối “chủ điểm”. Người biên soạn chọn ra các chủ điểm (hoàn toàn theo cảm tính) cốt sao số lượng chủ điểm vừa vặn với một niên học 9 tháng. Cách làm “lấy thúng úp voi” này giống hệt như liệt kê hàng ngang các “năng lực” và “phẩm chất”, tức là rất tùy tiện, cảm tính. GS. Hồ Ngọc Đại mới đây có trả lời trên báo Tiền phong đại loại là nếu tôi nói là có 36 nghìn năng lực thì sao và sao không chỉ là 5 như “5 Điều Bác Hồ Dạy” chẳng hạn.

Bộ SGK VNEN được sử dụng cùng thời gian với việc chuẩn bị Chương trình tổng thể, tức chuẩn bị cho việc biên soạn một bộ sách giáo khoa mới. Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2018-2918 Chương trình tổng thể sẽ áp dụng nhiều bộ SGK một lúc và bộ SGK VNEN sẽ là một trong các bộ SGK đổi mới. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi ấy đã nói “Hiện nay Bộ GD&ĐET đang chờ khung Chương trình tổng thể… Bộ SGK VNEN được thực hiện phù hợp với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK đã được Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt (Báo điện tử Tiền Phong ngày 5/5/2016 lúc 6:22 Giờ GMT+7).

Trước đó, vào năm 2014, khi Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về Chương trình tổng thể (và sau đó Bộ GD&ĐT đã phải thay người Tổng chủ biên, và người được thay chính là GS. Nguyễn Minh Thuyết), GS. Nguyễn Minh Thuyết đã công khai phản đối việc Bộ GD&ĐT độc quyền làm SGK và thẩm định SGK. Khi được hỏi “theo GS nên để ai là người lựa chọn bộ SGK giảng dạy cho học sinh?” GS Nguyễn Minh Thuyết trả lời: “Thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK là để huy động trí tuệ của xã hội, phát huy dân chủ trong giáo dục. Do đó, để chọn bộ SGK tốt thì không nên tập trung quyền lựa chọn vào 1-2 người. Kinh nghiệm cho thấy việc tập trung quyền lực vào một vài cá nhân rất dễ bị lạm dụng, không phục vụ mục đích chung. Theo tôi, nên để tổ chuyên môn của từng trường bàn bạc, quyết định chọn bộ SGK phù hợp với học sinh trường mình” (báo điện tử VNEXPRESS Thứ Tư ngày 24/9/2014 lúc 11:18 Giờ GMT+7).

Thế nhưng, cũng GS. Nguyễn Minh Thuyết sau khi ngồi vào ghế Tổng chủ biên Chương trình tổng thể đã có phát ngôn ngược lại hẳn: “Trong hoàn cảnh hiện nay, phương án tốt nhất là đổi mới theo lộ trình 3 bước như sau. Thứ nhất, điều chỉnh, bổ sung chương trình hiện hành theo hướng làm cho nó cụ thể hơn, cập nhật hơn, có tính thực hành cao hơn và nhẹ hơn. Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực của người học, làm cho chương trình tác động mạnh hơn đến sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Thứ ba, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn dần từng quyển hoặc từng bộ sách giáo khoa thay thế sách hiện hành. Không đặt vấn đề thay đổi toàn bộ sách giáo khoa ngay một lúc vì làm gấp như vậy vừa khó đảm bảo chất lượng, vừa tốn kém” (báo điện tử VIETNAMNET, Thứ Hai ngày 10/11/2014 lúc 12:14 giờ GMT+7).

Theo cách hiểu của tôi, Chương trình tổng thể sẽ lấy luôn SGK hiện hành, tất nhiên với những sửa đổi lặt vặt, tiểu tiết. Tức là, BẢN CHÂT CỦA CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ LÀ MỘT ĐỢT IN SÁCH GIÁO KHOA MỚI-CŨ!

PHẠM ANH TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0904013646